10 lợi ích cho trẻ em khi học cờ vây

Tổng hợp từ các bài viết của trang facebook Trung tâm đào tạo cờ vây Việt Nam.

Thứ nhất, cờ vây có thể rèn luyện ý thức độc lập

Nghiên cứu cho thấy, trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học đều có thể bị thu hút bời cờ vây, chúng khá hứng thú khi tham gia ván cờ với quân cờ đẹp đẽ lấp lánh và được tự mình quyết định trong trò chơi. Tự mình chọn nước đi của mình, và cha mẹ hay người lớn khác không thể giúp đỡ, không thể can thiệp.

Người điều khiển trận đánh, chính là một “vị tướng”. Khi con trẻ chơi cờ vây, chúng cũng được thử tập làm một “vị tướng”.

Bàn cờ rộng lớn, chỗ nào cần điều động binh lính, chỗ nào có nhiều lo lắng, chỗ nào cấp bách cần giải quyết trước, “vị tướng” non trẻ của chúng ta cần thực hành lựa chọn và chịu trách nhiệm.

Sau khi đưa ra quyết định ban đầu, trẻ nhỏ còn phải tiếp tục bảo vệ quyết định đó bằng các quyết định tiếp theo, đó là cả một quá trình tự lập.

Đứa trẻ dần dần sẽ xây dựng được ý thức độc lập, để có thể trọn vẹn chơi ván cờ. quá trình chơi cờ như vậy đã là một khóa đào tạo tuyệt với về ý thức độc lập.

 

Thứ hai, cờ vây có thể cải thiện khả năng quan sát

Bàn cờ tiêu chuẩn của cờ vây là 19 dường ngang và 19 đường dọc, trông không lớn. Tuy nhiên, số lượng các biến hóa là một con số thiên văn khó tưởng tượng. Một số người đã tính toán rằng độ lớn của nó đạt tới <10 lũy thừa 761>, hay là <361! (giai thừa)>, vì vậy người xưa có một câu nói rằng “thiên cổ vô đồng cục” (tức là ngàn đời không xảy ra ván cờ giống nhau)

Khi các bé chơi một trò chơi nhiều biến hóa như vậy, tình huống “thắng bại khó biết trước” cũng kích thích trí tò mò của các bé, cho các bé quan sát. Rất nhiều quân cờ màu đen và trắng, đan xen với nhau, và đôi khi thậm chí là có vẻ như “mờ mịt khó hiểu” – các bé cần tìm được quy luật của những sắp xếp có vẻ như là mờ mịt ấy, và phần thưởng là niềm hứng khởi khi tự mình tìm được kết quả. Trong quá trình tự mình tìm hiểu bé có thể thấy có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng vấn đề nào là lớn nhất?

Theo cách nói của triết học, cần phân biệt giữa mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ cấp, sau đó tìm ra thứ tự ưu tiên để giải quyết mâu thuẫn.

Tất nhiên, khi chơi cờ, các bé không cần phải biết những cái gọi là danh từ triết học này. Chúng chỉ cần biết cách nghĩ “mình sẽ có thể ăn đám cờ nào?” hoặc “Làm thế nào mình có thể ăn những đám cờ khác?” Sau khi bé có ý muốn làm điều gì đó, bé sẽ cần quan sát, để xem tiến trình của trò chơi, để phân biệt chính và phụ, để xem đâu là phần quan trọng trên bàn cờ rồi mới đi nước cờ.

Khả năng quan sát và khả năng ghi nhớ thường đi đôi với nhau. Các bé đã học cờ vây khoảng nửa năm sẽ có trí nhớ tăng mạnh, thậm chí hơi nhớ được ván cờ vừa mới chơi, tuy rằng chưa đến mức tự mình có thể diễn lại hoàn hảo toàn bộ, trong nhiều trường hợp thầy giáo thử lặp lại không đúng nước đi của bé đã đi trong ván cờ, bé sẽ lập tức nhắc nhở cho thầy giáo.

 

Thứ ba, cờ vây có thể cải thiện khả năng suy luận logic

Các nước đi của cờ vây, nước nào nước đó đều có logic chặt chẽ, mỗi bước đi đều vẫn dụng tính toán và tưởng tượng. Người xưa gọi cờ vây là “thủ đàm” (nói chuyện bằng tay), có nghĩa là cờ vây có thể là phương tiện trao đổi ý tưởng, tư tưởng, thậm chí tình cảm. Mọi nước cờ đều phải có mục đích rõ ràng. Trình độ cờ vây càng cao, logic này càng khắt khe. Ngay cả các kỳ thủ bậc thầy cũng thường gọi các chuỗi nước đi mẫu cố định là “đường một chiều”, có nghĩa là không có thay đổi nào khác và cả hai bên chỉ có thể thực hiện việc này. Tất nhiên, điều này có logic của nó.

Khi một đứa trẻ lần đầu tiên bắt đầu chơi cờ vây, bé có thể có lúc không hiểu “Tại sao mình nên đi theo cách này?” Tất nhiên, không đi theo cách này cũng không sao, quy tắc của cờ vây là bé có thể đi bất kỳ chỗ nào kia mà, bé có thể đi ở nơi bé thích.

Tuy nhiên, nếu bé có ý muốn ăn vài quân cờ của đối thủ hoặc muốn bao vây nhiều “đất” hơn, muốn thắng ván cờ, thì bé phải có logic mạnh mẽ hơn đối thủ để đạt được mục tiêu. Logic đó không chỉ là logic của bên mình, mà còn là logic của cả hai bên. Theo cách này, trong quá trình bé hứng thú chơi cờ, những vấn đề logic sẽ từng bước từng bước được nâng cao. Đó là hiệu quả “nước chảy đá mòn, từ nông đến sâu”.

Trên thực tế, mọi đứa trẻ tuy còn nhỏ, nhưng vẫn tiềm ẩn có tư duy triết học. Chỉ khác nhau ở chỗ tư duy của bé có được đánh thức hay không mà thôi. Bằng cách chơi cờ, mầm tư duy triết học này sẽ bén rễ, nảy mầm và phát triển.

Đừng bỏ lỡ cơ hội cung cấp cho con bạn một hỗ trợ mạnh mẽ, một cơ hội rèn luyện trí tuệ không ngừng qua hình thức một trò chơi.

 

Thứ tư, cờ vây có thể cải thiện sự tập trung

Hiện tại các bé ở lứa tuổi mẫu giáo thường hiếu động, chỉ có những trò chơi hấp dẫn mới khiến cho các bé bình tĩnh ngồi yên. Qua kinh nghiệm của một số nhà giáo dục, cờ vây vốn rất hiệu quả trong việc điều trị các vấn đề của trẻ em.

Ví dụ như có một cậu bé đặc biệt hiếu động. Khi mới đến học ở lớp cờ vây, cậu bé không ngồi yên trên ghế, cho dù thầy giáo nhiều lần nhắc nhở thì cậu bé vẫn không ngồi yên. Tuy nhiên, sau thời gian học cờ chừng một năm rưỡi, cậu bé đã có thể ngồi yên trước bàn cờ trong khoảng một giờ. Cờ vây đã làm cậu bé thay đổi rất nhiều, điều mà cha mẹ lúc đầu không hề nghĩ tới.

Trên thực tế, cờ vây đổi với thóii quen vận động của trẻ em có tác dụng đến mức nào và vì sao có tác dụng thì chưa có nghiên cứu nào có thể kết luận rõ ràng. Tuy nhiên, vai trò của cờ vây trong việc cải thiện sự chú ý của trẻ em là hiển nhiên.

 

Thứ năm, cờ vây có thể tăng cường khả năng chịu đựng nghịch cảnh

Trẻ em hiện tại là một thế hệ lớn lên trong sự chiều chuộng “ngọt ngào và hư hỏng”, và ở nhà các bé luôn luôn được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” được coi là “tiểu hoàng đế” và “tiểu công chúa”. Tuy nhiên, tình yêu quá mức ở nhà đã mang lại một số trở ngại cho việc chuyển đổi vai trò xã hội của trẻ. Một đứa trẻ “một chút thiệt thòi cũng không chấp nhận nổi” thì trong tương lai làm sao nó có thể tự mình đứng chân trong xã hội? Do đó, liệu trẻ em có kiên cường và có thể chịu được thiệt thòi và thất bại hay không là một bài kiểm tra tâm lý của chúng.

Có một câu nói cổ xưa về cờ vây: “cuộc sống giống như cờ, và cờ cũng giống như cuộc sống”. Những người đã chơi cờ vây trong nhiều năm sẽ có cảm nhận sâu sắc về câu nói đó. Ví dụ, quy tắc cờ vây là bắt đầu chơi cờ với bàn cờ trống trải, giống như một người vừa được sinh ra, một mảnh giấy trắng, tùy theo số lượng quân cờ đặt xuống càng lúc càng nhiều thêm, mà các quân cờ đã đặt xuống thì không thể di chuyển, trừ khi quân cờ đã chết, nó mới có thể bị lấy khỏi bàn cờ. Điều này giống như người ta, ai đó đã làm rất nhiều việc, những việc đã làm, người ta chẳng thể thay đổi, chỉ có thể khắc phục và bù đắp. Nếu như không có thái độ kiên cường trước những thất bại, thì trong tương lai, các “tiểu hoàng đế” và “tiểu công chúa” của chúng ta sẽ có thể khắc phục và bù đắp như thế nào cho những việc ngoài ý muốn sẽ xảy đến?

 

Thứ sáu, cờ vây có thể nâng cao khả năng phân tích, xử lí và giải quyết vấn đề

Sở dĩ, trong cờ vây có rất nhiều “vấn đề” cần được giải quyết, ví dụ như: nối cờ, cắt cờ, phong tỏa, chống phong tỏa, tạo áp lực, tạo sống, tiêu diệt, ăn quân, vây chiếm đất, phá không gian, chạy trốn, tấn công, bày trận… Những vấn đề này lại không hoàn toàn độc lập riêng rẽ, quân với quân có mối liên hệ, cùng với hình thế toàn bàn cũng có mối liên quan mật thiết.

Một ván cờ vây từ đầu tới cuối, hai bên trải qua một số trận đánh cục bộ lớn có, nhỏ có – kết quả toàn cục lại có sự liên hệ đến kết quả các trận đánh cục bộ. Đôi khi có lợi ở cục bộ lại bất lợi trên toàn cục. Khi giải quyết các vấn đề cục bộ, trẻ em cần hiểu được cái nhìn toàn cục. Tầng tầng lớp lớp các suy tính như vậy, thúc đấy trẻ em về nhu cầu tìm đến phương pháp suy nghĩ, hiểu được thứ tự ưu tiên trong công việc và biết điều gì cần bỏ, biết điều gì phải lấy.

Theo thời gian mà trẻ em học cờ, các năng lực phân tích vấn đề, khả năng xử lí vấn đề và khả năng giải quyết vấn đề của trẻ em sẽ được rèn luyện một cách toàn diện.

 

Thứ bảy, cờ vây có thể khiến trẻ em học được cách nhìn sự vật từ góc nhìn của người khác

Một điều đặc biệt có lợi, về lí trí bé có cái nhìn khách quan hơn, về tình cảm bé biết chia sẻ hơn.

Trong nền giáo dục hiện tại, là cha mẹ chúng ta đều biết rằng giáo dục đạo đức đã bị khuyết thiếu một cách trầm trọng.

Trẻ em ngày nay thiệt thòi hơn trẻ em thời cổ ở chỗ chúng ít có cơ hội tiếp xúc với những trước tác kinh điển về giáo dục “tam tự kinh” “nhị thập tứ hiếu” “Chu tử gia huấn” của thời cổ đại, vì vậy trẻ em hiện tại có thể khuyết thiếu sự hiểu biết về một số khuôn phép nề nếp. Chúng đến trường và phải học nhều thứ kiến thức không liên quan đến đạo đức, khuôn phép, mà liên quan nhiều đến điểm thi đua của cô giáo chủ nhiệm.

Đạo đánh cờ cũng như đạo làm người, nhân phẩm như kỳ phẩm, và cờ vây có rất nhiều nội dung về giáo dụng đạo đức. ví dụ như: khôn ngoan, hợp lí, không thể tùy tiện. Trong cờ vây, nếu ai đó chỉ muốn làm điều mình thích, mà không quan tâm tới điều kiện thực tế, hoặc là không quan tâm tới điều người khác muốn, anh ta không thể làm được.

Cờ vây là hai người chơi, anh không thể nào chơi cờ một mình, mà phải suy nghĩ đến sự tồn tại và hoạt động của đối phương, tùy tiện làm theo ý mình muốn, sẽ làm mình thất bại.

nói tổng quát, trẻ có thể học được cách suy nghĩ thay đổi vị trí “tư duy hoán vị”, dùng góc nhìn của người khác để xem xét vấn đề của chính mình.

 

Thứ tám, cờ vây có thể cải thiện khả năng tính nhẩm

Trong cờ vây có rất nhiều điều cần đến tính toán, bao gồm tính “số khí”, tính thế cờ “sống-chết”. tính số lượng “lãnh thổ”. Từ đầu đến cuối ván cờ, không lúc nào và không nơi nào có thể đi cờ mà không qua tính toán.

Có câu chuyện thực tế được kể lại, kỳ thủ bậc thầy người Nhật Fujisawa Hidesuki*, tại một trận đấu tranh danh hiệu Kỳ Thánh, ông đã từng nghĩ một nước cờ trong vòng 3 giờ đồng hồ, trải qua tính toán khoảng 10.000 thế biến hóa, nhờ nước cờ quan trọng này, cuối cùng ông đã thắng.

Nhìn từ một góc độ nào đó, cờ vây cũng có thể coi là một trò chơi tính toán, mà các phép tính có thể được nhìn thấy tương đối rõ ràng trên hình thức các quân cờ đen và trắng, tuy vậy lại cũng rất trừu tượng khi cần phải so sánh các “kết quả tính toán” để lựa chọn kết quả “phù hợp nhất”.

Trình độ cờ càng cao, sức tính toán càng sâu. Từ những ván cờ đầu tiên khi mới học, người ta đã bắt đầu tính toán các nước cờ, tính toán số khí của của mình, hay của quân địch, không kể thắng bại mọi người đểu có thể thưởng thức thú vui đánh cờ. Tất nhiên, trình độ cờ càng cao, thì việc thuởng thức càng sâu sắc.

Cách vừa vui chơi, vừa tính toán này, từ trong vô hình mà tăng lên sức tính toán của trẻ, rất có lợi cho việc học toán học và có lợi cho sức mạnh trí tuệ của trẻ trong tương lai.

 

Thứ chín, cờ vây có thể nâng cao trí tưởng tượng

Đối diện bàn cờ trống không, bày trận như thế nào? Vậy thì trí tưởng tượng tốt sẽ giúp ích lúc này.

Thực lực của kỳ thủ dựa nhiều vào kinh nghiệm của anh ta, nhưng nếu người không có sức tưởng tượng phong phú, anh ta rất khó tích lũy kinh nghiệm và khó đạt được cảnh giới cao hơn trong kỳ nghệ.

Trong cờ vây có rất nhiều hình mẫu, trẻ em khi bắt đầu học cờ, thường được hướng dẫn về các hình mẫu. Nhưng mà, trong diễn biến ván cờ có rất nhiều thế cờ thay đổi, khó có thể vận dụng tất cả hình mẫu, mà tính toán không rõ ràng nổi, khi đó sức tưởng tượng và khả năng phán đoán bằng trực giác sẽ nảy sinh tác dụng. Tình huống đó, trong cờ vây gọi là “hư” (không rõ), còn tình huống mà có thể tính toán rõ ràng cụ thể, cờ vây gọi là “thực” (rõ ràng). Nước cờ “thực” thì dễ nắm bắt, nhưng nước cờ “hư” là đề cao “ngộ tính” – điều đó càng thể hiện mức độ quan trọng của trí tưởng tượng trong chơi cờ.

Thường xuyên chơi cờ vây, là một cách rèn luyện trí tưởng tượng cực kỳ tốt đối với trẻ em.

 

Thứ mười, cờ vây có thể phát triển khả năng sáng tạo

Có thể nói rằng, mỗi ván cờ vây là một quá trình sáng tạo. Những ván cờ tuyệt tác lưu truyền đến hậu thế, tất cả đều cần sự phối hợp sáng tạo của hai kỳ thủ xuất sắc, vì vậy cho nên tự cổ chí kim, không có ván cờ nào giống nhau – gọi là “thiên cổ vô đồng cục”.

Thầy Go Seigen là bậc thầy lừng danh thế kỉ 20, là một nhà sáng tạo vĩ đại, không những ông đã sáng tạo các công thức, hình mẫu của cờ vây, ông còn sáng tạo cả một hệ thống tư tưởng chiến lược cho nghệ thuật này.

Với tài nghệ của mình, từ một cậu bé Trung Quốc, 14 tuổi bắt đầu đi tới Nhật Bản – thầy Go Seigen đã tung hoành trong giới cờ vây Nhât Bản suốt 30 năm, đánh bại không biết bao nhiêu tay cờ bậc thầy khác. Dãn dắt cờ vây đi vào kỷ nguyên mới của phương pháp tư duy về thế trận.

Khi trẻ em chơi cờ, tuy rằng không thể ngay lập tức có trình độ thâm sâu, nhưng mỗi nước cờ, ván cờ đều khơi gợi sức sáng tạo tiềm ẩn bên trong các em.

Có thể các em nhỏ ban đầu sẽ chưa sáng tạo được nước cờ hay như thầy Go Seigen, nhưng dần dần hình thành phản xạ về tự chủ và sáng tạo, sau này có khả năng ứng dụng hoặc phát triển trong các bộ môn khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *