Lan man chuyện lợi ích của cờ vây

 

Từ ngày bắt đầu học chơi cờ vây đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn tin rằng cờ vây không đem lại lợi ích gì nhiều nhặn cho người chơi. Vui là được, tôi từng nghĩ vậy. Nhưng nghĩ cho kỹ, tôi thấy mình cũng học được từ cờ vây vài điều.

10 lợi ích

Gần đây, tôi có đọc một bài viết khá chi tiết về 10 lợi ích của cờ vây đối với trẻ em (và cả người lớn nữa).

Những lợi ích trong bài: ý thức độc lập, kỹ năng quan sát, suy luận logic, sự tập trung, nhìn với góc nhìn của người khác, trí tưởng tượng, óc sáng tạo,… nói cho cùng, tất cả đều là sản phẩm của việc một người ngồi đọc và đi hơn trăm nước cờ, nghĩa là phải ép bộ óc làm việc liên tục, một mình, theo nhiều cách khác nhau, trong một thời gian tương đối dài.

Điều đó làm tôi nghĩ đến những người chạy marathon: họ chấp nhận bước vào đường chạy dù biết đoạn đường phía trước dài tận 42km, và họ sẽ phải đối đầu với việc đó trong cô độc, ít hoặc nhiều đau đớn, trong một thời gian tương đối dài.

Trong khi người chạy marathon tìm thấy niềm vui trong sự mệt nhọc của việc vận động các cơ bắp, người chơi cờ vây lại tìm thấy niềm vui trong việc hành hạ các nơ-ron thần kinh.

Nhưng

Nhiều người hay phát biểu rằng “thắng thua không quan trọng” hoặc rằng “tôi chỉ đi theo quán tính” thì thường là do họ không muốn đốt năng lượng cho việc vận động cái đầu lắm. Cùng là những nước trắng đen đặt xuống bàn cờ nhưng kỳ phổ của một trận đấu mà hai bên thực sự muốn thắng thì sẽ rất khác với việc hai bên quăng quân lia lịa vào bàn rồi cầu may.

Cũng là 42km di chuyển từ A đến B, nhưng nếu một người quyết định leo lên xe máy phóng phăm phăm đến đích, thì rõ ràng anh ta đã không hiểu một vận động viên marathon muốn gì khi chọn chạy bộ.

Vì muốn thắng một trận đấu nên một người chơi cờ mới bắt cái đầu làm việc hết sức có thể, vì cái đầu có cơ hội làm việc hết sức có thể, người ta mới thích chơi cờ vây.

Nếu thích nhẹ đầu, ta có thể dễ dàng kiếm một trò chơi dễ chịu hơn chứ.

Ba bài học

Tôi không nghĩ nếu mình không chơi cờ vây thì mình sẽ kém về trí tuệ hơn so với tôi hiện tại. Trên đời thiếu gì thứ rèn luyện não bộ ngoài cờ vây? Cũng như trên đời thiếu gì thứ rèn luyện cơ thể ngoài marathon?

Lý do lớn nhất để tôi chơi cờ vây, vì tôi nghĩ nó là một trò chơi tuyệt hay. 

Nhưng điều gì khiến cờ vây khác biệt?

Tôi nghĩ, có 3 bài học mà tôi nhận được từ cờ vây nhiều hơn từ bất kỳ thứ gì khác trên đời.

1 – Nhìn đủ rộng

Cờ vây là trò chơi mà kết quả được quyết định vào cuối trận đấu, trên toàn bàn cờ. Một quyết định có thể là tốt ở vị trí cục bộ nhưng có thể ảnh hưởng xấu đến bố cục toàn bàn. Một người chơi đủ giỏi sẽ luôn liên hệ với tình hình ở nhiều vị trí khác trên bàn cờ để đưa ra một nước đi. Rất nhiều khi, một người phải chọn cách hy sinh chỗ này để lấy chỗ kia, vì phải bỏ đi, bỏ thì thắng.

Bài học ở đây: trước khi chôm nải chuối trên bàn ông địa thì phải ngó xem xung quanh có camera không.

2 – Nghĩ đủ sâu

Cờ vây là một trò chơi vô cùng phức tạp. Dù mình có bỏ bao nhiêu thời gian cho một hình cờ nhất định, cũng chưa chắc mình đã quét hết được toàn bộ các khả năng có thể xảy đến sau đó vài ba nước, chứ đừng kể chục nước trăm nước. Việc một kỳ thủ bỏ sót một đòn hiểm hoặc một nước đi sáng tạo nào từ phía đối phương cũng rất thường thấy. Điều chắn chắn duy nhất của việc thực hiện một nước cờ là nó luôn thiếu sự chắc chắn.

Cuộc đời thì càng phức tạp tợn, nên đừng vội vàng xác quyết về điều gì hoặc đưa ra đánh giá về người nào, nếu như ta chưa suy nghĩ đủ thấu đáo hoặc chưa có trong tay tất cả những dữ liệu cần thiết.

3 – Giữ đủ bền

Cờ vây là một trò chơi dài hơi. Mà đường xa mới biết ngựa tốt. Dù mới vào trận ta giành ít nhiều lợi thế, điều đó không có nghĩa là đã thắng. Chỉ cần lơi là trong một giây, thì một trận thắng sẽ ngay lập tức biến thành một trận đáng lẽ thắng. Đòi hỏi cao về sự tập trung biến cờ vây trở thành một công cụ hữu ích để rèn luyện sự điềm tĩnh, nhẫn nại.

Trong thời đại mà có vô số thứ tranh nhau sự chú ý của bạn, kỹ năng tập trung vào những việc cần thiết lại trở thành kỹ năng sống còn. Thả lỏng cho sự phân tâm thâm nhập vào những nơi cần sự tập trung, thì thất bại sẽ nằm ở ngay khúc ngoặt tiếp theo thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *