Bỏ đi, bỏ thì thắng

Trong thời gian ở Việt Nam, thầy Lee dạy tôi rất rất nhiều thứ, về cờ vây và ngoài cờ vây. Hầu hết những bài học hoặc là đã ngấm vào máu tôi, hoặc đã lỡ trôi đi mất. Duy chỉ có câu nói ngắn gọn này là còn theo tôi mãi:

Bỏ đi, bỏ thì thắng

Câu nói trên ám ảnh tôi đến nỗi, nó gần như trở thành một quan điểm sống. Dù vậy, để “thắng” trong cờ vây thì khá dễ hiểu, nhưng làm gì để “thắng” trong cuộc sinh tồn đầy bất an này? Định nghĩa thế nào là thắng? Và liệu việc giành chiến thắng có cần thiết không?

Hãy nhìn vào cờ vây.

Cờ vây là trò chơi chiếm đất ở phạm vi lớn, mà ở đó

Người thắng là người giành nhiều đất hơn đối thủ khi trận đấu kết thúc.

Đất được hình thành theo những cách hết sức khác nhau. Có thể kể đến: khung đất rộng-moyo, đất tiềm năng, đất đã chắc chắn, đất có được nhờ ăn quân, đất có được nhờ phá moyo đối thủ, đất phát triển từ tường, đất chiếm thêm nhờ thu quan, …

Cái hay là không cách lấy đất nào vượt trội hơn cách lấy đất nào. Với mục tiêu cụ thể là chiếm đất càng nhiều càng tốt, theo bất kì cách nào, người chơi cần phải duy trì bức tranh lớn về toàn bộ những gì đang xảy ra trên bàn cờ vây.

Những gì chúng ta cần bỏ trên một bàn cờ

Mỗi nước đi của ta không thể chu toàn cho tất cả mọi diễn biến. Bất chấp hàng chục toan tính khác đang đồng thời diễn ra, ta cũng chỉ có thể lựa chọn duy chỉ một nước đánh. Bỏ qua các cơ hội mà ta đánh giá là không hiệu quả bằng.

Ở đây, bỏ không chỉ đơn giản là thí một vài quân cờ không quan trọng. (Dù vậy, đối với người chơi mới, lỗi sai này xuất hiện nhiều vô cùng, họ cần phải học thêm về giá trị thực sự của mỗi quân cờ tùy thuộc vào vị trí tương đối của nó với các quân cờ khác. Tôi sẽ dành một bài chuyên môn để nói đến vấn đề này).

Thay vì cứu quân C3 bằng nước đi ở B3, Đen quyết định hy sinh nó để lấy thế bên ngoài với C5

Nhiều khi, trong các ván đấu của người chơi khá, họ sẵn sàng hy sinh một đám quân dù nhỏ hay lớn (khi vẫn có khả năng cứu) để giành lấy lợi thế về hình cờ. Gay cấn hơn nữa, những kỳ thủ chuyên nghiệp sẵn sàng thả lủi đám quân yếu của mình mà không thèm tiếp viện nếu chưa thấy tiềm năng phát triển tại thời điểm đó. Thay vì vậy, họ có thể dùng lượt đi của mình để quấy nhiều ở một nơi khác, chờ đợi thời cơ chín mùi.

Tuyệt đại đa số những trận đấu cờ vây đều có xuất hiện những quân cờ “hy sinh vì đại cuộc”.

Đen vừa đi nước S13 lỗi, dọa giết hai quân trắng với nước cắt ở R11. Tuy vậy, Trắng có thể bỏ qua và phản công ngay bằng nước cắt ở S15. Cả hai đám đen đều chưa có mắt để tạo sống.

Người chơi không những chỉ bỏ các quân cờ của mình. Điều cao hơn họ phải từ bỏ là những quyết định mang tính cục bộ. Moyo không hẳn đã là của mình, họ phá được thì mình sẽ có lợi thế ở điểm khác. Đám quân khó giết thì không cố giết, thay vào đó là lợi dụng điểm yếu của họ để tranh thế. Không tham vào sâu nơi hiểm địa, thấy thế địch mạnh thì chỉ nên lấn từ phía ngoài, …

Người nào thấu đáo được nghệ thuật từ bỏ trong cờ vây, họ sẽ chơi cờ tự nhiên như nước chảy trong suối: Lưu thủy bất tranh tiên.

Tôi bỏ tuốt, bạn cũng có thể mần thế

Tôi không phải là fan của việc áp dụng cờ vây vào cuộc sống. Tuy thế, như đã nói ở trên, quy tắc “bỏ thì thắng” gần như trở thành quan điểm sống còn của tôi.

Thời gian và sự quan tâm đối với mỗi người cũng như những nước cờ. Khi mải mê dùng nước đi của mình để giữ lấy những quân cờ và những dự định nhỏ nhặt, bọn mình đồng thời mất đi quyền được đi nước lớn, nước đáng giá.

Một ví dụ đơn giản cho sự lãng phí khủng khiếp thời gian và sự quan tâm của rất nhiều người, đó là News feed trên Facebook. Cơn lũ những update vụn vặt của những điều sẽ chẳng ở lại trong đầu ta mấy chút, có đáng để ta quan tâm không? Never. Tôi bỏ trò này từ lâu.

Để phát triển cờ vây, tôi cũng cân nhắc bỏ bớt vài thứ mình muốn quan tâm nhưng không thể làm, chơi nhạc hoặc chụp ảnh này. Đồ đạc trong phòng, tôi cũng bỏ đi ít nhiều, tối giản thì khó, nhưng lược giản là điều cần thiết.

Có nhiều quyết định bỏ táo bạo hơn nữa (như bỏ một đám quân lớn), bỏ việc là một trong những. Ngay lúc này đây, tôi thấy vui vì mình đã dành cả buổi chiều nắng vàng để viết bài blog dài thượt này. Thay vì đang ngồi trong một creative agency suy nghĩ về các phương án quảng cáo cho mấy chai nước ngọt.

One comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *