Có đúng là “đáng lẽ thắng”?

Hình như “đáng lẽ thắng” là một trong những cụm từ được dùng nhiều nhất trong cờ vây (và trong hầu hết những trò có tính thắng thua nói chung). Giữa “đáng lẽ thắng” và “thắng” là một khoảng cách vô cùng ngắn, nhưng lại được ngăn cách bởi một lằn ranh vô cùng rõ rệt, giữa thắng và bại.

12235024_440481259492041_8586354606634386562_n

Có một câu danh ngôn cờ vây, rằng “Để thắng được trong một trận đấu mà bạn đang có lợi thế thì khó hơn là thắng trong một trận mà bạn đang gặp bất lợi”. Câu này không hẳn để nói cho vui, ngược lại, nó rất có lý. Khi một người tự xét thấy mình đang thắng thì sẽ dẫn đến nhiều phản ứng rất dễ dẫn đến thất bại cuối cùng.

Để cho chính xác, có thể chia ra làm 2 nguyên nhân chính dẫn đến thất bại.

Thua do những lỗi ngớ ngẩn

Trong một trận đấu gần đây, tôi cũng mắc một sai lầm rất hài. Khi tôi đi ở A (nhằm ép trắng đi D ở hình dưới), Trắng lại chơi ở B (thay vì đi D).

Lúc này tôi mới (nghĩ rằng Trắng đã đi ở D) ngay lập tức chiếm điểm thu quan cuối cùng ở C. Trắng liền đâm vô tiếp sau nước B, Đen ngỏm 5 quân, Trắng (từ đang thua khoảng gần 10 đất) trở thành người thắng cuộc.

dang-le-thang

Việc thua do những lỗi ngớ ngẩn cứ như người mới học chơi thường xảy ra không hề báo trước, nhưng chúng có lẽ hay xuất hiện trong những trận đấu quá chán (một bên thua nhiều rồi mà cứ đánh ráng,…), thành thử bị mất tập trung. Ngoài ra, ở phía “đang thua”, kỹ thuật nhây nhây đợi đối thủ chơi sai lỗi ngớ ngẩn này được giang hồ gọi đùa là “ăn rình”.

Đối với các trận đấu chuyên nghiệp, khi các kỳ thủ đã đếm được chắc chắn mình thua, họ thường chọn cách chịu thua luôn chứ không đợi đếm đất. Họ tin chắc rằng đối thủ, là một người chuyên nghiệp, sẽ không bao giờ sai nhưng lỗi ngớ ngẩn, và cố gắng đi cho xong trận đấu chỉ làm tốn sức cho hai bên.

chet-ngu

Thế nhưng việc chết nhảm trong những trận đấu nghiệp dư diễn ra như cơm bữa. Có lẽ vì thế mà không ít kỳ thủ nghiệp dư, kể cả là đẳng cấp cao, luôn ôm hy vọng (mà cố kéo dài trận đấu) rằng đối thủ sẽ sơ suất vào một lúc nào đó. Đây là một khác biệt quan trọng giữa kỳ thủ nghiệp dư và chuyên nghiệp, họ hầu như không sai sót những lỗi ngớ ngẩn và dễ thấy mười mươi như vậy.

Để tránh thua ngớ ngẩn, chúng ta cần phải rèn luyện tinh thần chuyên nghiệp hơn, đọc cờ phải kỹ càng hơn, không nên để sót nước.

Thua do tâm lý

Khi một bên đã xác định được mình “đang thắng”, tâm lý của họ lúc này sẽ rất khác với khi chưa biết bên nào đang có lợi thế. Và thế là dính nhiều cú thua đau không thể tả. Có thế mô tả một số như sau:

Chơi nhát

Sau khi chắc thắng, như ăn được một đám quân lớn, nhiều người sẽ chơi cờ rất “nhùn” và sẵn sàng nhường cho đối thủ những lợi ích nho nhỏ mà an toàn, tránh rơi vào những tình huống phức tạp không cần thiết và dễ gặp sai lầm.

Tuy thế, phải sáng suốt nhận định tình hình, vì nếu cứ nhường từng chút từng chút, cuối cùng cộng dồn lại cũng được một quả khá lớn, và ta sẽ phải nhận kết quả đau đớn vào phút cuối.

Tham ăn thêm

Nhiều lúc chúng ta dí quân đối phương xách dép chạy có cờ, đồng thời chiếm được rất nhiều đất từ việc truy đuổi. Chỉ cần đi thu quan, ta sẽ chắc thắng. Nhưng đứng trước một đám quân mỏng manh dễ vỡ của đối thủ, ta cứ ao ước về việc giết luôn, hạ gục nhanh, knock-out, cho sướng.

Tham-lam

Đây là lúc mà sai lầm dễ xảy ra nhất, khi ta tấn công mãnh liệt nhất, cũng là lúc ta lơ là phòng bị nhất, và chỉ một sơ hở nhỏ, đối thủ lèn vào và móc một cú ngay họng mình, hóa ra chính mình mới là người bị knock out. Vậy nên khi thấy thắng rồi, đừng tìm cách lao đầu vào nơi nguy hiểm để kiếm chác thêm làm gì. Thắng 100 mục hay thắng 0.5 cũng đều là thắng.

Mất bình tĩnh và tập trung

Khi hai bên dính vào một trận đấu sinh tử mà ta là người đang thắng thế, đừng trở nên mất bình tĩnh. Dù cho có 9 đường đi để thắng và 1 đường để thua, thì không có gì đảm bảo ta sẽ không chọt chân vào con đường ngu ngốc kia. Suy nghĩ càng thấu đáo thì càng củng cố cho chiến thắng.

Khinh địch

Nếu ngay từ đầu trận, đối thủ đi khai cuộc rất tệ, thì không có nghĩa toàn bộ phần còn lại của trận đấu ta được phép lơ là. Khinh địch sẽ đưa ta đến việc chơi những nước đi bất hợp lý (vì nghĩ đối phương sẽ không thể nghĩ ra cách tốt để đáp trả). Luôn tập trung vào vấn đề cần giải quyết, dù cho đối thủ là ai.

dang-le-thang-2

Ở trên là một khai cuộc tôi chơi gần đây, đối thủ của tôi (cầm Trắng) ra quân rất tệ. Ở góc dưới, Trắng chơi sai định thức, Đen có lợi về mặt cục bộ. Góc trên bên trái, Trắng lại tiếp tục dùng sai định thức và để Đen ôm cái góc quá dễ dàng. Ở góc trên bên phải, Trắng lại tự đưa mình vào một hình cờ cực thấp, khó lấy đất.

Tôi chắc mẩm là mình không thể thua trước một đối thủ cỡ này. Thế mà cuối cùng tôi thua thảm, do nhảy vào moyo của đối phương sâu quá, không tìm được đường ra.

 

Có đúng là “đáng lẽ thắng”?

Chúng ta có thể thấy rằng, rõ ràng là không dễ để vượt qua được tất cả những chướng ngại phía trên, nhằm chuyển hóa cụm từ “đáng lẽ thắng” trở thành một từ “thắng” ngắn gọn. Nhưng đó là nhiệm vụ của người chơi cờ vây, của những kỳ thủ hằng mong mình sẽ tiến bộ thêm từng chút một trên hàng dãy dài bậc thang đẳng cấp.

Phải rèn luyện cho đầu óc sáng suốt hơn nữa, để tránh rơi vào những cú thua lãng xẹt. Phải suy nghĩ kỹ càng hơn khi gặp tình huống nghiêm trọng. Phải kiềm hãm lòng tham, sự thèm muốn một cú knock-out khi nó không cần thiết cho chiến thắng. Phải nhận định tình hình một cách khách quan bất kể đối thủ là ai, luôn chừa cho mình đường lùi, như cổ nhân đã nói.

Đúng, đúng là “đáng lẽ thắng” đấy. Nhưng tốt hơn hết hãy chuyển hóa tất thảy chúng thành những trận thắng trọn vẹn. Hãy thắng đi, rồi bạn sẽ tiến lên. Đừng kẹt lại ở dưới với những lời xầm xì mà chẳng ai muốn nghe.

Ở phía ngược lại

Phía ngược lại có gì? Tất nhiên là những người “đáng lẽ thua”. Thật khá khen cho những người đã thắng trên thế bất lợi. Đó là những chú ngựa lội ngược dòng đáng ngưỡng mộ.

winner

Tuy thế, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa những người luôn giữ trong mình tinh thần quyết chiến, dù cho có đang thất lợi (đó là tinh thần thể thao cao thượng) và những người đã thua chắc rồi mà ngoan cố không đầu hàng, chỉ chực chờ đối thủ mắc sai lầm một cách ngu ngốc để giành phần hơn. Đó không phải kiểu trận đấu mà tôi muốn hoàn thành, không phải kiểu cờ vây mà tôi muốn chơi.

Đầu hàng đúng lúc là một phẩm hạnh đáng quý.


4 comments

  1. huy says:

    tâm lý con người thật phức tạp , cứ nghỉ là thắng rùi nên chơi dè chừng và chủ quan để đối thủ lật kèo

  2. Ooker says:

    Khi một người thua nhiều, nhưng lại không biết mình thua nhiều, thì việc họ ráng đánh là tinh thần quyết chiến hay là cố chấp? Người trình độ cao có khi nào bị vậy không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *