Khác biệt giữa cách đếm đất của luật Nhật Bản và Trung Quốc

Hầu hết các giải đấu ở Việt Nam dùng luật Nhật Bản để đếm đất phân định thắng thua. Nên một số người thắc mắc liệu luật Trung Quốc có khác không, và khác như thế nào? Tuy là hai cách đếm khác nhau, chúng ít khi ảnh hưởng đến chiến thuật cũng như kết quả ván đấu. Ở bài này, tôi xin phân tích các khác biệt cũng như ưu nhược điểm giữa chúng.

dem-dat
Những bạn hoàn toàn không biết gì về cờ vây có lẽ sẽ thấy nhiều chỗ khó hiểu, vì trong phạm vi của bài này, tôi đưa vào khá nhiều khái niệm và hình cờ nâng cao. Mục đích chính của bài viết là giúp những bạn đã biết đếm đất theo luật Nhật có thể đếm đất theo luật Trung.

Các bạn mới nên nghiên cứu cách chơi cờ vây trước khi đọc bài viết này. Sẽ tương đối khó cho những bạn mới chơi để tự học đếm đất, nếu có thể hãy nhờ người hướng dẫn thêm hoặc tham gia các lớp học căn bản.

 

Cách đếm đất theo luật Nhật Bản

Một lưu ý đầu tiên là các giải đấu của Hàn Quốc cũng hầu hết sử dụng luật Nhật Bản. Nên khi nói luật Hàn Quốc, thì đó cũng là luật Nhật Bản.

Số điểm trong luật Nhật được tính bằng tổng số giao điểm trống (số mục) được bao vây bởi các đám quân của một bên. Bên cạnh đó, số quân ăn trong quá trình chơi sẽ được lấp vào đất đối phương để làm giảm nó đi. Ai nhiều đất hơn sẽ thắng cuộc.

Ví dụ: Ở hình dưới, giả sử không có quân bị ăn, Đen có 19 mục, Trắng có 16,5 mục, (10 + 6,5 komi). Đen thắng 2,5 mục.

7

Cách tính đất theo luật Nhật được thực hiện theo các bước sau:

1. Cả hai bên đã đồng ý bỏ lượt. Trận đấu chính thức dừng tại đây.
1a. Trước khi bỏ lượt, cả hai bên không cần lấp đất chung. Tuy nhiên, việc này được khuyến khích để giúp cho việc đếm đất dễ dàng hơn.

2. Xác định những quân chết kỹ thuật, bốc chúng ra và đặt chung vào đám tù binh đã bắt được.

3. Lấp tất cả tù binh vào đất đối phương.

4. Thay đổi vị trí những quân cờ trong đất đối phương để những vùng đất này trở thành hình chữ nhật (tốt nhất là bội số của 10, ví dụ 2×5, 4×5, 3×4-2, 3×7-1).

5. Cộng tổng và xác định người chiến thắng sau khi đã cộng thêm 6,5 komi.

Cách đếm đất theo luật Trung Quốc

Khác biệt căn bản nhất của luật Trung Quốc so với luật Nhật là bên cạnh việc đếm đất chiếm được, ta phải cộng thêm cả số quân cờ đang có mặt ở trên bàn. Ví dụ: Đen chiếm 75 đất, và có tổng cộng 127 quân trên bàn cờ lúc kết thúc, vậy tổng điểm của Đen là 202. Quân ăn được trong quá trình chơi sẽ được bỏ qua một bên, không cần quan tâm đến chúng.

Cách đếm đất này tuy thoạt nghe có vẻ phức tạp, nhưng nó khá dễ hiểu và có nhiều ưu điểm so với luật Nhật.

Những quân Trắng đánh dấu dù được đặt vào hay không cũng không làm thay đổi số điểm của Trắng vì trong cả hai trường hợp, vị trí đó cũng tính là 1 điểm cho Trắng.

Cách tính đất theo luật Trung Quốc được thực hiện theo các bước sau:

1. Cả hai bên đã đồng ý bỏ lượt. Trận đấu chính thức dừng tại đây.
1a. Không như luật Nhật, việc lấp những đất chung cũng là một phần của trận đấu.

2. Xác định những quân chết kỹ thuật, bốc chúng ra ngoài, và chúng hết nhiệm vụ.
Ta cũng không cần quan tâm đến những quân đã ăn.

3. Thay đổi vị trí và đặt thêm (hoặc bỏ bớt) quân cờ trong đất đối phương để chúng thành những ô chữ nhật. Cộng tổng. Ghi nhớ con số.

4. Tách quân của hai bên (trên bàn cờ) ra. Và đếm chúng.

5. Điểm của người chơi sẽ là tổng của 3 và 4. Xác định người chiến thắng sau khi cộng cho Trắng 7,5 komi.

Đếm một nửa

Trên thực tế, nếu chơi theo luật Trung, thường ta chỉ cần đếm số điểm của bên Đen.

Đầu tiên, lấy 361 (số mục trên bàn 19×19) trừ đi số điểm không được tính là đất (nếu có khí chung trong trường hợp sống chung). Và chia đôi.

Lấy số điểm của bên Đen trừ đi 3,75 (komi đã chia đôi, tại sao chia đôi? Các bạn tự nghĩ nhé …). Nếu số này lớn hơn con số ở trên, Đen thắng. Ngược lại, Đen thua.

Lý do cho phép toán ở trên là, khi kết thúc, toàn bộ 361 điểm trên bàn cờ bao gồm:
1. Điểm không được tính là đất cho cả hai bên. (khí chung trong trường hợp sống chung)
2. Quân Đen và đất Đen chiếm được.
3. Quân Trắng và đất Trắng chiếm được.

Một số khác biệt đặc thù giữa luật Trung và Nhật

Bên cạnh khác biệt nhau khi đếm đất. Hai thứ luật này còn “đối xử” với một số trường hợp đặc thù trên bàn cờ vây theo các kiểu khác nhau. Và phần nhiều, luật Trung Quốc tỏ ra có lý hơn.

Đất khi sống chung

Trong trường hợp sống chung kiểu như hình dưới. Luật Nhật Bản không tính đất cho cả hai bên. Tuy nhiên, luật Trung Quốc bảo rằng Trắng có thêm 2 điểm.

Gãy bốn ở góc

Hình cờ bên dưới là một trong những hình cờ gây bối rối nhất cho những bạn chơi cờ trình độ thấp. Khi các bạn hỏi người ở trình độ cao hơn rằng Trắng đã chết hay còn sống. Những người này sẽ trả lời chắc mẩm: Trắng đã chết.

Nhưng tại sao, Đen muốn giết thì phải đánh cướp chứ đâu đã chết hẳn? Bởi vì, Đen là người quyết định khi nào cần đánh cướp và Đen là người ăn cướp trước. Do đó, trước hết, Đen phải bảo vệ những điểm dọa cướp trong hình cờ của mình, sau đó việc giết đám Trắng sẽ ổn thỏa.

Tuy nhiên, đối với luật Nhật Bản, việc bảo vệ điểm yếu trong hình cờ sẽ khiến cho mình mất đất. Và để tránh việc mất đất vô lý này, luật Nhật Bản quy định cho phép tính đám Trắng đã chết kỹ thuật khi kết thúc trận đấu mà không cần phải đi lấp đất mình.

Luật Trung Quốc giải quyết được vấn đề này: vì dù có lấp thêm quân vào đất của mình, tổng điểm vẫn không thay đổi.

Chấp quân

Quân chấp của luật Nhật Bản phải đặt ở vị trí các sao như quy định.
Quân chấp theo luật Trung được đặt tùy ý.

Khi tính điểm Đen theo luật Trung, ta phải trừ đi số điểm bằng số quân chấp lúc đầu.

Kết luận: Ưu và nhược của hai luật đếm đất

Như tôi đã nói lúc đầu: việc đếm đất theo luật nào không ảnh hưởng đến chiến thuật, nước đi trong một trận cờ vây, vậy xác định ưu nhược điểm giữa chúng phần nhiều dựa trên tính dễ hiểu và nhanh chóng.

Luật Trung Quốc: Dễ sắp xếp vị trí hơn, dễ hiểu hơn. Thích hợp để giải thích cho người mới chơi.
Luật Nhật Bản: Nhanh hơn. Tiện dụng hơn vì nhiều người sử dụng để chơi với bạn hơn.

===
Xin được phép kết thúc tại đây. Các thắc mắc xin cứ ghi ở phần bình luận, tôi sẽ cố gắng giải thích.

Nguồn tham khảo: Sensei Library

22 comments

    • Trần Quang-Tuệ says:

      Trong những trận đấu thông thường thì chắc chắn sẽ không có hòa.

      Tuy nhiên, một số rất rất hiếm các trận sẽ xảy ra tình trạng hai bên không nhường nhau mà đi giành qua giành lại mãi một vài điểm (như cướp tam kiếp) thì trọng tài sẽ xử hòa 🙂

    • Anonymous says:

      Vì người ta muốn một trận đấu phải phân định được người thắng kẻ thua, chứ ko phải 1 kết quả hòa, đó là lý do có lẻ 0.5 mục đó bạn

  1. Hà phương says:

    Mình vẫn không hiểu là tại sao quân đen đi trước lại có lợi hơn, mong được giải thích ạ.

    • Trần Quang-Tuệ says:

      … Bạn không nghĩ là đc đi trước sẽ có lợi hơn à? Như cờ vua cờ tướng ấy

      Nếu thực sự muốn hiểu thì chắc bạn phải cố chơi khá hơn thoai ^^

    • Hà phương says:

      Trong đoạn tranh mà blog trích Sai có nói là ‘thời Shusaku không có luật như vậy’ không phải ý là cờ hiện đại thì mới có lợi cho quân đen ạ.

    • Trần Quang-Tuệ says:

      Trong thời đấy thì Trắng chấp nhận chịu thiệt thòi 🙂 (Nên Shusaku mới không bao giờ thua khi cầm đen) Sau này nó thành môn thể thao rồi thì người ta mới yêu cầu công bằng cho Trắng.

    • Toan nguyen says:

      đi trước mình chiếm dc những điểm lớn. Dễ khống chế thế cục bạn nhé.

  2. Hùng says:

    Cho mình hỏi bước 4 theo cách tính cùa Nhật và bước 3 của Trung Quốc là như thế nào mình không hiểu?

    • Trần Quang-Tuệ says:

      Mình cũng chưa hiểu câu hỏi của bạn. Cụ thể là bạn không hiểu ở điểm nào?

    • Hùng says:

      “Thay đổi vị trí những quân cờ trong đất đối phương để những vùng đất này trở thành hình chữ nhật”
      Mình không hiểu câu này?

    • Trần Quang-Tuệ says:

      Có lẽ bạn chưa được hướng dẫn cách đếm đất thông thường nhỉ?
      Như ở đầu bài đăng này, mình có nói rằng bài viết này chủ yếu phân tích sự khác và giống nhau giữa hai cách đếm đất Nhật và Trung. Những người mới sẽ thấy nhiều chỗ khó hiểu.

      Nên mình cũng không biết phải giải thích thế nào trong trường hợp này, có lẽ quay video thì sẽ dễ diễn tả hơn, nợ bạn lần này vậy. 😀

    • Trần Quang-Tuệ says:

      Thường các giải đấu ở Trung Quốc thì dùng luật Trung, hầu hết các giải đấu còn lại (kể cả VN và Đông Nam Á) thì dùng luật Nhật

  3. Kanux says:

    Cho em hỏi là bàn 9×9 thì điểm cộng vẫn là 6.5 ạ?
    Như thế khủng khiếp quá vì bàn 9 rất bé hơn thua nhau 1 2 đất

    • Tuệ says:

      Ừa nhiều người mới nghĩ vậy. Nhưng đó tương đương với lợi thế Đen giành đc khi đặt quân đầu tiên lên bàn 9×9 ấy. Nếu là hai người biết chơi thì Trắng bị thụ động nhiều khi trận đấu bắt đầu.

  4. Phương Nguyễn says:

    Cho mình hỏi sao luật Komi không thống nhất là sao nhỉ? Lúc thì bên trắng được cộng 5,5 mục, lúc thì được cộng 6,5 mục hay 7,5 mục? Vậy luật cờ vây chuẩn là bên trắng được cộng bao nhiêu mục vậy admin? Thanh bạn chia sẻ rất nhiều kiến thức cờ vây hay

  5. Mai Anh Đức says:

    Anh cho em hỏi là luật Trung và luật Nhật cách tính khác nhau và số điểm khác nhau thì liệu có thể xảy ra trường hợp 1 người thắng theo luật Trung nhưng lại thua theo luật Nhật và ngược lại không? hay là tuy tính điểm khác nhau nhưng thắng thua vẫn không thay đổi. Mong sớm nhận được phản hồi. E xin cảm ơn!

    • Đặng Kiên says:

      Mình cũng thắc mắc điều này. Rõ ràng hai cách tính khác nhau chứ không đưa điểm về cùng 1 kết quả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *