Lược sử cờ vây Trung Hoa – Chương 4 – Tấn Triều, thịnh hành nhất thế

Trải qua mấy trăm năm phổ biến rộng rãi của cờ vây ở thời Hán, đến thời Tấn cờ vây càng phát triển mạnh mẽ từ tầng lớp vua chúa, đại thần đến các sĩ phu nổi tiếng đều để lại nhiều giai thoại trong sử sách liên quan đến đánh cờ.

I. Đánh Cờ Quan Trọng Hơn!

Trong các giai thoại này, nổi bật có chuyện đánh cờ của Tấn Vũ Đế – Tư Mã Viêm trong “Tam Quốc Chí” của La Quán Trung hồi 120 cuối cùng của bộ tiểu thuyết. Khi đó thứ sử Ích Châu là Vương Tuấn dâng sớ xin Tấn chủ phạt Ngô, nhưng Tấn Vũ Đế lại nghe lời Vương Hồn hoãn việc cất quân lui vào hậu cung đánh cờ với Bí Thư Thừa Trương Hoa.

Giữa lúc đánh cờ thì có tấu chương của Đỗ Dự khuyên vua đánh Ngô, thấy vậy Trương Hoa đứng phắt dậy, đẩy bàn cờ sang một bên tâu với vua nên đánh. Tần Vũ Vương nghe lời khuyên sai Đỗ Dự mang quân chinh phạt nước Ngô, nhờ vậy mà thống nhất tam quốc đặt lại nền hòa bình cho trung quốc. Đây là một giai thoại đẹp về việc mải đánh cờ nhưng cũng không ảnh hưởng đến quốc gia đại sự.

tan-vu-de-co-vay-trung-hoa
Tấn Vũ Đế

Tuy nhiên, thời Tây Tấn cũng có những giai thoại về sự say mê đánh cờ đến tột độ, không quan tâm đến vinh nhục gia sự. Thời Tây Tấn có “Trúc Lâm Thất Hiền”(1) tài hoa hơn người lại thích cầm, kỳ, thư, họa nhưng hành vi phóng khoáng không coi trọng lễ tiết.Trong sách “Tấn Thư” của Phòng Huyền Linh có nhắc đến một trong thất hiền là Nguyễn Tịch; Vốn lúc Nguyễn Tịch đang say sưa đánh cờ thì có người chạy đến báo tin mẫu thân ông vừa qua đời. Lúc bấy đối thủ cũng tỏ ý tạm hoãn ván cờ, nhưng Nguyễn Tịch mặc kệ, nhất quyết phân thắng bại đã. Vương Nhung cũng là một trong thất hiền, nổi danh về tài đánh cờ từ nhỏ. Lúc Vương Nhung làm thứ sử Dự Châu, nghe tin mẹ mất lúc đang xem cờ, ông mặc kệ ngồi ở nhà xem nốt cuộc cờ đã.

luoc su co vay trung hoa 4

So với Nguyễn Tịch, Vương Nhung thì Bùi Giai càng mê cờ đến quên trời quên đất. Trong “Tấn Thư- Truyện Bùi Giai” có tích,  Bùi Giai đến nhà Trấn Đông Tướng Quân Chu Phức  ngồi đánh cờ. Lúc bấy có người khách rót chén rượu mời Bùi Giai, nhưng ông đang mải đánh cờ không lập tức uống. Người khách cũng ngà ngà say thấy Bùi Giai không thèm uống rượu mình rót nên tức giận kéo tay Bùi Giai đẩy ông ngã xuống đất. Bị người khác kéo ngã xuống đất nhưng ông vẫn chậm rãi bò dậy tiếp tục ngồi xuống đánh cờ như không có chuyện gì, đủ thấy đánh cờ đôi khi có sức hút khiến người chơi say mê đến cuồng dại.

Lại nói về Tần Vũ Vương, sau khi nhất thống thiên hạ, cơn nghiện cờ lại nổi lên khiến ông lại bày bàn cờ đánh với Vương Vũ Tử, mời Tôn Hạo lúc đó đã quy hàng đứng bên cạnh xem cờ. Được lát, Tấn chủ hỏi Tôn Hạo “Tại sao khanh thích lột da người?” (Nước Ngô lúc đó có hình phạt khoét mắt, lột da). Tôn Hạo trả lời rằng :” Kẻ khi quân phải chịu tội ấy” Vương Vũ Tử nghe vậy tức giận nói Tôn Hạo chính là kẻ khi quân. Tấn chủ cười nói:”Còn là đánh cờ quan trọng hơn.”

Ván cờ Tần Vũ Vương với Vương Vũ Tử

 

Download SGF

 

II. Kỳ Phẩm Thời Đông Tấn.

Mỗi kỳ thủ đánh cờ lại có thói quen tính cách khác nhau mà tạo thành kỳ phẩm. Từ thời gian hạ cờ, thái độ, cách hạ cờ đến bố cục, công pháp mà thể hiện tính cách mỗi mỗi người. Ngày nay các trường dạy cờ rất chú trọng vào việc rèn luyện kỳ phẩm cho các kỳ thủ, còn thời cổ kỳ phẩm của mỗi người lại thể hiện sự tu dưỡng của bản thân. Trong sách “Tấn Thư” cũng ghi lại một số giai thoại thời Đông Tấn, qua đó ta có thể thấy được kỳ phẩm của các vị danh thủ thời kỳ này.

Thời Đông Tấn có rất nhiều kỳ thủ nổi danh, trong đó có khai quốc Thừa Tướng Vương Đạo nổi danh vê tài đánh cờ, cả hai người con của ông là Vương Duyệt và Vương Điềm cũng đều là những kỳ thủ nổi tiếng. Vương Đạo thường chơi cờ với con cả Vương Duyệt và coi đó là một lạc thú. Con thứ Vương Điềm cũng cùng với danh thủ Giang Lâm đều là những kỳ thủ tài hoa, không chỉ tinh thông đánh cờ mà cầm kỳ thư họa văn võ đều tinh thông.

Tạ An thời Đông Tấn cũng là bậc danh thủ nổi tiếng. Trong “Tấn Thư” cũng nhắc đến giai thoại của ông, năm 378 nước Tiền Tần đem quân xâm lược Đông Tấn, lúc bấy Tấn Vương phong Tạ An làm đại đô đốc chống lại quân xâm lược. Kẻ địch Phàn Kiên kéo binh đến tận Hoài Phì(2), khiến tình hình chiến sự nguy cấp. Cháu trai của Tạ An là tướng quan Tạ Huyền chạy đến xin chỉ thị điều binh, bấy giờ Tạ An vẫn bình tĩnh cho rằng tự có biện pháp rồi rủ cháu trai đến biệt viện trên núi du ngoạn, đến trong núi Tạ An bày bàn cờ mời cháu trai đối cục.

Tuy rằng Tạ Huyền kỳ lực vốn dĩ cao hơn nhưng lúc chiến loạn nguy cấp vì vậy thua cờ Tạ An. Tạ An thấy vậy vui vẻ trở về, lúc này Tạ An mới bàn bạc bố phòng chiến sự khiến chiến dịch toàn thắng, quân Tần tan tác bỏ chạy. Tin chiến thắng báo về lại đúng lúc Tạ An đang đánh cờ, ông cầm xem tin báo rồi lại tiếp tục đánh cờ như bình thường khiến những người xung quanh sốt ruột hỏi tình hình chiến sự. Tạ An lúc đó mới trả lời “Đại thắng.”. Tạ An gặp nguy không loạn, kiên định bình tĩnh, mọi việc đều nắm trong bàn tay quả thật khiến người đời thán phục.

Tạ An

Tổ Nạp cũng là một đại kỳ thủ thời Tấn, ông cũng có ảnh hưởng rất lớn trong kỳ đàn Tây Tấn. thời Tây Tấn ông làm đến chức Quang Lộc Đại Phu, về sau em trai là Trấn Tây Tướng Quân Tổ Địch gặp loạn thế chư vương tranh quyền mà vong khiến ông buồn bã ở ẩn suốt ngày đánh cờ tự xưng là “Vong Ưu”. Sau này Tống Huy Tông Triệu Cát ngâm câu thơ rằng “Vong Ưu Thanh Nhạc Tại Bình Kỳ ” khiến cho đời sau soạn cuốn kỳ phổ cũng lấy tên là “Vong Ưu Thanh Nhạc Tập”. Có lần người bạn ông là Vương Ẩn khuyên ông không nên phung phí thời gian vào việc đánh cờ. Ông nói:”Ta đánh cờ để khiến bản thân không con nghĩ đến chuyện buồn nữa”. Vương Ẩn nói:”Ông có thể lấy kiến công thực hiện lý tưởng thì làm sao con nghĩ đến chuyện buồn được nữa?”. Tổ Nạp nói :” Lời của ông tôi đồng ý, nhưng tôi không có được cái tài đó”.Từ đó thấy được Tổ Nạp không chỉ ẩn nhẫn mà còn tự biết mình.

Tạ Hoằng Vi (392-433) một vị quan nổi tiếng thời Đông Tấn cũng là một tay kỳ thủ nổi danh. Có lần Tạ Hoằng Vi cùng bạn hữu chơi cờ, những người khác đương vây quanh xem đánh cờ. Lúc đó góc dưới bên trái người bạn kia đang gặp nguy hiểm có thể mất quân nhưng không nhận ra, một người đứng xem bèn nói “Gió tây nam thổi mạnh quá, lật thuyền mất”. Người kia nghe vậy vội bổ cứu đám cờ ở góc. Triệu Hoằng Vi thấy vậy không cam lòng thua cuộc, tức giận đạp đổ cả bàn cờ.

Thời Đông Tấn còn xuất hiện những kỳ thủ nổi danh khác như Vương Ngu, Phan Mậu, Nhan Diên Chi, Viên Khương đến nay vẫn còn có thể tra cứu trong sách sử. Trong “Cao Dật Sa Môn Truyện” cũng nhắc đến những đại kỳ thủ như Lô Tuần, Tạ An, Vương Thản Chi, Vương Nghĩa Chi thường xuyên giao lưu kỳ nghệ.

Trong sách “Sơn Đường Tứ Khảo” cũng nhắc đến giai thoại thể hiện tính cách hóm hỉnh của Phan Mậu. Một lần Phan Mậu đi dạo sườn núi bắt gặp hai đạo sĩ đang ngồi đánh cờ. Thấy vậy ông dừng lại bên xem cờ, một vị đạo sĩ thấy vậy bèn hỏi ông có biết chơi cờ không? ông bèn trả lời hài hước: “Nhập vưu xà động, Xuất tự nhạn hành”(3). Đạo sĩ nghe vậy mỉm cười đồng ý.

Từ trên sử sách lưu lại rất nhiều giai thoại về cờ vây như thế này, chứng tỏ rằng thời kỳ này những giai thoại về những kỳ thủ đánh cờ rất được người đời quan tâm để ý và thường xuyên bàn luận thậm chí còn được ghi lại vào sách sử. Điều đó càng củng cố rõ nét vị trí của cờ vây trong đời sống văn hóa của người thời xưa.

 

1- Trúc Lâm Thất Hiền là thành ngữ dùng để chỉ bảy người hiền sinh sống vào khoảng cuối đời nhà Ngụy, đầu nhà Tấn ở bên Tàu ngày xưa. Bảy người hiền đó là các ông: Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương Nhung, Nguyễn Hàm

2- Đây là cách gọi của người đời nhà Đường cho chiến dịch Phì Thủy. (Hoài Hà)

3- Vào tựa động rắn, ra tựa nhạn bay


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *