Phần 4: Khai cuộc, trung cuộc, thu quan

Sau khi học về luật ăn quân và chiếm đất. Có thể các bạn vẫn chưa hiểu cách một trận đấu được tiến hành. Phần 4, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một trận cờ vây diễn ra như thế nào.

Theo Phần 2, hai bên sẽ giành nhau chiếm đất để thắng cuộc. Vậy những vùng đất này sẽ được hình thành theo cách gì? Theo hướng đơn giản nhất, ta chiếm đất với ba bước. Khai cuộc – Trung cuộc – Thu quan.

Bước 1: Khai cuộc

Trước hết, ta cần xây dựng khung ở các khu vực mà ta muốn chiếm đất. Khi đã có khung, những khu vực đó được gọi là đất tiềm năng của người chơi đó. Tuy nhiên, những khu vực này còn lỏng lẻo và có khả năng bị phá hủy.

fus01
Đen đang có đất tiềm năng ở biên trên và trái bàn cờ. Trắng chiếm biên dưới.

Bước 2: Trung cuộc

Sau khi (hoặc trong khi) xây dựng đất tiềm năng, người chơi có thể suy nghĩ đến việc đi quân vào khung của đối phương để thu hẹp chúng lại. Người còn lại sẽ tìm cách thu lợi thông qua việc tấn công những quân này.

Giai đoạn trung cuộc tương đối phức tạp này sẽ biến những cái khung ban đầu trở thành những vùng đất chắc chắn.

fus02
Trắng 1 nhảy vào khu vực biên trên để ngăn chặn Đen gia cố đất ở đây. Đen tấn công bằng 2, hai bên đánh nhau đến 6.
fus03
Trắng tiếp tục chạy với 1. Sau khi hai bên đi đến 5 thì các vùng đất tiềm năng lúc đầu giờ đã trở thành đất chắc chắn.

Bước 3: Thu quan

Khi không còn nơi nào để tạo khung, phá đất lẫn nhau, hoặc tấn công, ta bước vào giai đoạn thu quan. Lúc này, đất của hai bên có thể được tính là bất khả xâm phạm, tuy biên giới còn chưa rõ ràng.

Nhiệm vụ của hai bên là vừa mở rộng (biên giới của) đất mình vừa thu hẹp đất đối phương. Cho đến khi đất của hai bên sẽ hoàn chỉnh và có thể đếm được. Trận đấu kết thúc.

fus04
Quan sát các cặp số gần nhau, chúng đều là một thao tác: Lấn vào và chặn lại. (1-2), (4-5), (6-7), (8-9). Riêng nước 3 là nước bảo vệ quân Đen 1.
fus05
Hai bên tiếp tục lặp lại thao tác Lấn – chặn (và bảo vệ) cho đến khi các khu vực đất được hoàn chỉnh. Trận đấu kết thúc, hai bên đếm đất để xác định kết quả.

 

Kỳ phổ của trận đấu trên

Trận đấu trên kết thúc với kết quả Trắng thắng 9.5 mục với komi là 6.5. Mời các bạn theo dõi kỳ phổ để dễ hiểu hơn.

 

Download SGF

 

Nhiều kịch bản cho một ván cờ 9×9

Ở trên là một ví dụ tương đối dễ hiểu cho một trận đấu. Thế nhưng cờ vây là một trò thiên biến vạn hóa. Việc phân chia rạch ròi 3 giai đoạn này không phải dễ dàng. Đôi khi các giai đoạn chồng chéo lên nhau và chúng ta cần phải xử lý bằng cách nước đi hợp lý. Đặc biệt là ở kích cỡ bàn nhỏ 9×9 hoặc 13×13.

Thay vì một trận đấu với 3 giai đoạn diễn ra tiếp nối như trên, chúng ta cũng có thể bắt gặp một số kịch bản khác. Tôi xin đưa ra vài ví dụ:

Kịch bản 1:

Ở trận đấu này, gần như không có khai cuộc, mà hai bên lao thẳng đến giai đoạn trung cuộc, rồi tiến hành thu quan luôn.

 

Download SGF

 

Kịch bản 2:

Ngược lại, trong trận đấu bên dưới, hai bên bỏ qua giai đoạn trung cuộc (phá và tấn công lẫn nhau). Từ khai cuộc, hai bên thủ chắc đất mình và tiến hành thu quan luôn.

 

Download SGF

 

Kịch bản 3:

Trong giai đoạn trung cuộc, Trắng tính toán sai để chết một đám và chịu thua luôn, do có thu quan thì cũng không thể nào thắng được.

 

Download SGF

 

Ở một trận đấu bàn tiêu chuẩn 19×19

Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã xem tương đối nhiều những trận đấu diễn ra trên bàn 9×9. Đây là bàn kích cỡ nhỏ thường để dạy cờ và giải trí.

Để hiểu được một trận đấu trên bàn 19×19 cũng như 3 giai đoạn của nó, chúng ta cần học thêm nhiều lý thuyết về khai cuộc cũng như rất nhiều lý thuyết khác như mạnh, yếu, tường, moyo, đả nhập, mở biên, …

Có vẻ khá bổi rối rồi nhỉ? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những vấn đề sâu hơn về cờ vây ở những bài khác. Tuy nhiên, nếu các bạn muốn thử sức với bàn cờ lớn, hãy cứ chơi. Việc chơi cờ sẽ giúp bạn có nhiều kinh nghiệm thú vị đấy.

Series học luật cờ vây

Các bạn hãy đọc tiếp các bài trong series Học luật cờ vây này nhé.

10 comments

    • Trần Quang-Tuệ says:

      Vì Trắng thấy chết nhiều quá không gỡ được ấy.
      Cái này đối với người mới cũng hơi khó hiểu. Bạn có thể bỏ qua.

    • Anonymous says:

      nhìn đất của đen biên giới khá kien cố rồi, có cố thu quan trắng cũng vẫn thua thôi

    • Phúc Long says:

      trắng nhận ra sức cờ mình yếu hơn nên chịu thua thôi bạn
      cchir cần tầm 3 nước nữa là trắng thua

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *