Cờ vây và trí tuệ

Chỉ mới gần đây, giá trị giáo dục của cờ vây và vai trò của nó trong việc phát triển trí tuệ ở trẻ em mới được đánh giá đúng. Tại sao cờ vây lại là một bổ sung hiệu quả trong việc giáo dục lớp trẻ?

Nhiều nhà tâm lý học Nhật Bản đã tiến hành các thí nghiệm rộng rãi trên những trẻ có chơi cờ vây. Các nghiên cứu này dẫn họ đến một niềm tin rằng học cờ vây là cách tốt nhất để phát triển khả năng bẩm sinh ở trẻ. Theo một nhà nghiên cứu, chiến thuật cờ vây thuộc phạm vi toàn cục, nên một diễn biến ở một khu vực trên bàn cờ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ phần còn lại. Tầm nhìn của một đứa trẻ về thế giới, trái lại, thì hạn hẹp, nhưng khi được học cờ vây, nó nhanh chóng hình thành một viễn cảnh rộng hơn về thế giới trong mối liên hệ với bản thân.

Trẻ thu được kết quả tốt hơn khi được học chơi sớm hơn. Bốn đến năm tuổi có lẽ là thời điểm phù hợp nhất để học. Trẻ ở độ tuổi này chỉ mới phát triển 65 đến 70 phần trăm não bộ, vì thế cờ vây đem lại lợi ích tối ưu cho quá trình suy nghĩ của trẻ. Hơn hết, trẻ thích chơi cờ vây bởi nó vui.

giai-co-vay-tphcm-2014 (9)

Một trong những điều quan trọng nhất cờ vây đem lại cho trẻ em là khả năng tập trung. Chúng tập trung vào ván đấu vì chúng thích chơi. Hơn nữa, bằng cách tập trung cao độ, phân tích thật nhiều biến thế và kết quả của nó, chúng đã thực hiện những kỳ công với trí nhớ và rèn luyện não bộ đến mức tối đa. Trong suốt quá trình, chúng phải hình dung trong đầu các biến thế có khả năng xảy ra trên bàn cờ, lưu giữ đường đi của rất nhiều biến thế đã phân tích, và, cuối cùng, quyết định đi tiếp như thế nào dựa trên tất cả phân tích trên. Khó để tìm được một lĩnh vực nào khác mà bọn trẻ vừa chơi một cách thích thú, vừa sử dụng trí não với cường độ lớn như vậy.

Dĩ nhiên, khả năng tập trung vào thứ gì đó không dễ tự nhiên xảy đến. Con người học cách tập trung bằng việc làm những thứ họ thích. Nhưng có nhiều dạng tập trung khác nhau: bị động và chủ động. Một đứa trẻ có thể tập trung vào chương trình TV nó thích, đây là dạng tập trung bị động. Ngược lại, khi chơi cờ vây, bạn phải sử dụng tối đa trí óc. Nếu bạn quan sát một đứa trẻ đang mê mải chơi cờ vây, bạn thấy mắt nó dính chặt vào bàn cờ và không thứ gì có thể làm nó xao lãng. Kết quả cuối cùng là, khả năng tập trung vào một trận cờ vây dễ dàng được truyền cho các lĩnh vực học tập khác.

Đây có thể là lý do tại sao rất nhiều sinh viên các trường đại học danh tiếng như Đại Học Tokyo (Harvard của Nhật Bản) là những kỳ thủ cờ vây mạnh. Bề ngoài, người ta có thể nghĩ những kỳ thi đầu vào mang tính cạnh tranh cao của các trường như vậy sẽ không cho phép sinh viên “phí thời gian” vào cờ vây. Tuy nhiên, học chơi cờ vây đem đến cho sinh viên một khả năng cạnh tranh sắc bén.

untitled (35 of 172)
Một trong những khía cạnh độc đáo của cờ vây là sự cần thiết của việc sử dụng cả trực giác lẫn kỹ năng phân tích khi chơi. Trong giai đoạn khai cuộc, có rất nhiều cách để chơi và không ai có thể chắc chắn một biến thế có vẻ đúng này thì tốt hơn biến thế khác. Dĩ nhiên có những nguyên tắc về chiến thuật có thể chỉ đường cho bạn, nhưng ngay cả các kỳ thủ mạnh nhất cuối cùng cũng phải dựa vào trực giác. Tuy nhiên, khả năng phân tích trở nên càng lúc càng quan trọng khi trận đấu phát triển về sau, và trong giai đoạn quan tử, nó là yếu tố quan trọng hơn bất kỳ thứ gì.

==
Nguồn: Cho Chikun – An introduction to the game of go
Hình minh họa: Giải vô địch cờ vây TPHCM 2014

2 comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *