Lược sử cờ vây Trung Hoa – Chương 1 – Các giả thuyết về nguồn gốc

Đôi khi niềm đam mê sẽ thôi thúc bạn tìm hiểu, để biết rõ hơn những điều mà mình yêu thích. Bản thân tôi rất thích tìm đọc lịch sử mà nhất là những giai thoại, những câu truyện hay gắn với cờ. Mà cờ vây lại có một lịch sử vô cùng lâu đời, có thể nói là một trong những trò chơi cổ nhất của nhân loại. Vậy mà nó vẫn sống, vẫn tồn tại và phát triển nhờ mồ hôi và công sức của hàng triệu người trên thế giới và cả ở Việt Nam.

Điều đó khiến tôi cảm thấy rốt cuộc sức hút của nó lớn đến đâu mà khiến nhiều người đam mê đến vậy và khi ta nhìn lại lịch sử phát triển của nó thì sẽ tuyệt vời đến đâu? Vì mục đích đó tôi muốn giới thiệu với các bạn muốn cuốn sách nhỏ “Trung Quốc Vi Kỳ Sử Thoại” mà tôi sẽ cố gắng phiên dịch ra để mọi người cùng có được một cái nhìn sơ lược về sự phát triển đó.

Hehe

Dù cho có nhiều loại giả thiết khác nhau, nhưng ta vẫn phải kết luận một điều rằng cờ vây bắt nguồn từ Trung Quốc. Từ những tư liệu khảo cổ xa xưa nhất được tìm thấy thì vẫn chưa ở nơi đâu tìm kiếm được những cổ vật có niên đại xa xưa hơn ở Trung Quốc.Vì vậy, có thể đúng một phần nào đó khi tìm hiểu lịch sử cờ vây cũng là tìm hiểu lịch sử Trung Quốc. Trong cuốn sách này có khá nhiều tư liệu và giai thoại khá hay, bắt nguồn từ thời xuân thu đến những năm cuối triều đại nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc bắt đầu từ chương 1 đến chương 9.

Chương 1 – Các giả thuyết về nguồn gốc
Chương 2 – Xuất hiện kỳ thủ đầu tiên (Thời Xuân Thu)
Chương 3 – Thời đại phát triển lớn (Thời Lưỡng Hán)
Chương 4 – Thịnh hành nhất thế  (Thời Tấn)
Chương 5 – Danh thủ xuất hiện lớp lớp, muôn hoa tranh sắc (Thời Nam Bắc Triều)
Chương 6 – Thơ như thủy triều, Cờ như sao giăng (Thời Ngũ Đại)
Chương 7 – Các “Quốc Thủ” tranh giành kỳ đàn (Thời Tống,Kim, Nguyên)
Chương 8 – Danh thủ vô số (Thời Minh)
Chương 9 – Từ từ suy tàn (Thời Thanh)

Chương thứ 10 tác giả dành phần nói nhiều đến sự phát triển và lan tỏa của cờ vây ra các nước xung quanh.

Chương 1 : Các giả thuyết về nguồn gốc

 I. Nghiêu Thuấn Dạy Con

Từ xa xưa cờ vây đã được coi là một trong bốn loại nghệ thuật của Trung Quốc bao gôm: Cầm, Kỳ, Thư, Họa. Trong đó “Kỳ” là để chỉ cờ vây. Nguồn gốc của nó lại là một trong những bí ẩn của nhân loại, ai là người phát minh? nó bắt nguồn từ đâu? phát minh như thế nào? và Tại sao? Để giải thích những điều đó có nhiều loại giải thích và giả thuyết khác nhau trong đó giả thuyết vua Nghiêu, Thuấn dạy con có lẽ được nhiều người biết đến nhất

Thời nhà Tấn, Trương Hoa (232-300) viết lại cuốn sách là “Bác Vật Chí” Trong đó viết rằng : Vua Nghiêu tạo ra môn cờ vây để dạy con là Đan Chu, ngoài ra còn nhắc đến Vua Thuấn cũng thấy con là Thương không được thông minh nên dùng cờ vây để dạy con. Cuốn “Lộ Sử Hậu Ký” còn chi tiết hơn viết Vua Nghiêu cưới vợ là San Yi sinh con trai tên là Chu, vì hành vi của Chu không tốt, Vua Nghiêu nghĩ ra cờ vây để dạy con. Dựa theo giả thuyết này thì cờ vây được sáng tạo ra nhằm mục đích kích thích trí tuệ, trong sáng tâm hồn.

Vua Nghiêu -Họa sĩ Mã Lâm
Vua Nghiêu -Họa sĩ Mã Lâm

Cũng có giả thuyết khác đó là Ô Tào là người tạo ra cờ vây để đánh cược. Ô Tào là người nhà Hạ ở Trung Quốc, được cho rằng là ông tổ nghĩ ra viên “gạch”. Đời Đường, nhà thơ Bì Nhật Hưu viết trong cuốn “Nguyên Dịch” cho răng cờ vây bất nguồn từ thời chiến quốc do Tung Hoành Gia sáng tạo, luận điểm này của ông dựa trên yếu tố tranh giành, đấu trí, cướp đất của cờ vây. Như vậy, cờ vây lại là sản phẩm của trò cá độ, thú giải sầu và là phương tiện để tranh đoạt quyền mưu.

Thực tế, các giả thuyết trên đều không đủ bằng chứng thuyết phục. Vua Nghiêu, Thuấn dạy con cũng chỉ là chuyện cổ tích. Ô Tào dù được cho là tổ tiên của viên gạch thì cũng không có tư liệu lịch sử nào khác nhắc đến việc nghĩ ra cờ vây. Luận điểm của Bì Nhật Hưu lại càng vô căn cứ vì thời Xuân Thu, Khổng Tử đã nhắc đến cờ vây rồi.

II. Nghiên cứu khảo cổ

Nếu chúng ta dựa theo những bằng chứng khoa học khác như việc người ta tim thấy ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, rất nhiều bình cổ có nhiều hình vân giống như bàn cờ vây của xã hội cuối thời nguyên thủy. Tuy nhiên, những đường vân này hầu như đều là 10~12 đường kẻ chứ không phải 19 đường như ngày nay.

chiếc lọ cổ ở Cam Túc
Chiếc bình cổ ở Cam Túc

Tháng 9 năm 1971 tại Hồ Nam, Trung Quốc người ta khai quật được một bàn cờ có 15 đường ngang dọc

Bàn cờ Hồ Nam , 15x15 đường rộng 8cm
Bàn cờ Hồ Nam , 15×15 đường rộng 8cm

Đầu năm 1980, người ta lại khai quật được một bàn cờ được cho là từ thời Tây Hán ở Thiểm Tây, Trung Quốc, dài 66,4cm, rộng 58,4cm, dày 3,2cm, 4 góc cao 4,8cm, ngang dọc 16 đường.

Bàn cờ khai quật tại Thiểm Tây, Có 16 đường ngang dọc
Bàn cờ khai quật tại Thiểm Tây, Có 16 đường ngang dọc

Năm 1950 ở tỉnh Hà Bắc người ta lại khai quật được một bàn cờ thời Đông Hán với 17×17 đường.

Năm 1959 huyện An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, người ta tim thấy một ngôi mộ đời nhà Tùy. Dựa trên những gì ghi trên bia mộ, người ta tính ra ngôi mộ được chôn vào khoảng năm 595. Trong ngôi mộ người ta tìm thấy một bàn cờ bằng ngọc trắng với 17×17 đường kẻ, tuy nhiên chính xác bàn cờ là 19×19 đường(cộng thêm 2 cạnh bàn) vì có những lỗ ở Thiên Nguyên và bốn góc để đánh dấu.

Bàn Cờ Thời Nhà Tùy , khai quật tại hà nam trung quốc
Bàn cờ Thời Nhà Tùy , khai quật tại Hà Nam – Trung Quốc

1973, khai quật được bàn cờ ở Tân Cương, được làm bằng gỗ với 19×19 đường.

Bàn cờ gỗ Tân Cương
Bàn cờ gỗ Tân Cương

1978, khai quật được bàn cờ làm bằng sứ men ngọc 19×19 thời nhà Đường ở Tứ Xuyên.

Bàn cờ men ngọc
Bàn cờ sứ men ngọc

Ở Nội Mông, người ta còn khai quật được một tòa mộ cho là thời Liêu, bên trong tìm thấy một bàn cờ 13×13 đường chiều dài, rộng 30cm. Trên bàn cờ xếp sẵn 71 viên cờ đen, 73 viên cờ trắng, tổng cộng 144 viên cờ tạo thành thế tàn cục. Ngoài ra còn 8 viên cờ đen, 3 viên cờ trắng không xếp trên bàn cờ. Có lẽ người trong mộ cũng là một tay mê cờ, đến lúc chết cũng đem theo bàn cờ xuống suối vàng để từ từ nghiên cứu.

Từ các loại phát hiện khảo cổ khác nhau ta có thể nhận thấy; Đầu tiên, cờ vây tại xã hội lúc đó đã có hình thức ban đầu, thống nhất về tạo hình và phổ biến rộng rãi. Thứ hai, ta nhận thấy ban cờ vây có sự phát triển từ 10 đến 13, 15, 16, 17, 19 đường nghĩa là có sự thay đổi theo thời gian. Như vậy, đòi hỏi một quá trình, không thể nào có một ngày nào có ai đó bỗng dưng nghĩ ra cờ vây, mà nó đòi hỏi sự chuyển biến từ đơn giản đến phức tạp, từ ít đến nhiều. Trải qua mấy nghìn năm đúc rút từ kinh nghiệm và trí tuệ con người mà dần dần cải tiến, để hình thành quy mô như ngày nay. Có thể nói, cờ vây là thành quả của sự sáng tạo của tất cả mọi người.

Do chiến tranh xảy ra nhiều lần, mà cờ vây lại có đôi phần tựa như binh pháp. Chính vì vậy trải qua chiến tranh, quân sự nhiều thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc đã giúp cho cờ vây càng phát triển nhanh chóng. Thời Lưỡng Hán có người đem cờ vây vào trong binh pháp “Tùy Thư Kinh Tịch Chí” và coi kỳ phổ cờ vây là binh thư.

III Cờ vây bắt nguồn từ Trung Quốc

Theo các khảo cứu trên ta có thể xác định nguồn gốc cờ vây bắt nguồn từ Trung Quốc. Một kỳ thủ nhật bản là Akio Matsui(1) có giả thuyết cho rằng nguồn gốc cờ vây và cờ tướng Trung Quốc đều có nguồn gốc từ Trung Á . Tuy nhiên từ các sách như “Luận ngữ”,”Mạnh Tử”, “Tả Truyện”, ta có thể thấy từ thời xuân thu cờ vây đã xuất hiện ở Trung Quốc. Trong khi đó Trung Quốc và các quốc gia tây vực còn chưa gặp gỡ. Đến thời Tây Hán mới có sứ đi Tây Vực, văn hóa Trung Quốc mới có giao lưu với các nước Trung Á, thời điểm đó ở Trung Quốc, cờ vây đã có lịch sử lâu đời.

IV Cách gọi “Dịch” và “Vi Kỳ”

Hiện nay, từ “Dịch cờ” trong tiếng Trung Quốc ám chỉ bao quát cả cờ vây, cờ tướng, cờ vua, vv.v. Tuy nhiên thủa ban đầu “dịch” chỉ dùng để chỉ cờ vây . Hứa Thận (58-147) trong cuốn “Thuyết Văn Giải Tự” viết : Dịch “弈” và “丌” có cùng thanh và cùng để chỉ cờ vây. 丌 trong chữ tượng hình cổ là hai người nhấc tay đánh cờ. Sách “Luận ngữ”, “Mạnh Tử”, “Tả Truyện” thời xuân thu cũng dùng từ dịch để ám chỉ cờ vây. Thời Tây Hán Dương Hùng (53BC-18AD) trong cuốn “Phương Ngôn” cho thấy rằng từ “Vi Kỳ” thời Tây Hán đã bắt đầu thành danh xưng chỉ cờ vây , chỉ còn vùng Tề, Lỗ ở phương bắc là vẫn còn sử dụng tên “Dịch” .Đến thời Đông Hán từ “Vi Kỳ” đã được sử dụng rộng rãi trong văn viết như Mã Dung với “Vi Kỳ Phú” hay Lý Vưu với “Vi Kỳ Minh”.

Ngoài “Dịch” và “Vi Kỳ”, cờ vây còn rất nhiều tên gọi khác trong quá trình phát triển. Thời Tấn có người gọi cờ vây là “Tọa Ẩn” hoặc “Thủ Đàm”. Đến cuối cùng, chỉ còn từ “Vây” khái quát đặc điểm riêng của cờ vây là còn được dùng đến bây giờ.

(1) Aiko Matsui là một kỳ thủ và nhà nghiên cứu lịch sử cờ vây ở Nhật Bản.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *