Tảng băng trôi của Trương Vô Kỵ

Cờ vây, một quân khi đặt xuống thì có hai phần. Nước đi ta thấy bằng mắt, đó là phần nổi; những biến hóa được tính toán trong đầu để dẫn đến nước cờ, đó là phần chìm. Người chơi cờ, kể cả mới học hay lâu năm, thường dễ mắc một thói quen xấu: quá xem trọng phần nổi.

Thói quen này hình thành như một cơ chế xử lý tình huống nhanh và an toàn của con người.

Ở dưới là một định thức khá phổ biến mà tôi hay dạy người mới:

12 nước đi, không quá khó để thuộc nằm lòng. Câu hỏi thông thường được đưa ra: “Nhưng nếu đối thủ không đi theo thì sao?”. Trả lời: thì chứng tỏ đây chưa phải là lúc bạn thực sự học định thức. Nếu bạn hiểu rõ một định thức, bạn sẽ biết tại sao nước đi A là nước tốt trong trường hợp đó.

Thay vào đó, hãy trao dồi những kỹ năng cơ bản. Ăn quân, nối quân, cắt quân, phòng thủ,…

10 là nước đi sai định thức của Trắng. Đen có thể làm gì?

Khi hai kỳ thủ ngồi vào bàn cờ để tranh thắng thua. Người ngoài nhìn vào chỉ thấy đó là một trận đấu, một con đường nối tiếp từ nước đầu tiên đến nước cuối cùng. Thực ra, có hàng ngàn trận đấu song song diễn ra trong đầu hai kỳ thủ, để chọn được một nước đi, một biến thế mà người đó xem là khả dĩ nhất, họ đã phải cân nhắc đến rất nhiều con đường khả dĩ khác, xây lên nó trong đầu mình, rồi tiến hành lọc bỏ.

Một nước đi đặt xuống bàn cờ, thay vì lập tức phán xét đó là nước tốt hay không, chúng ta nên đặt ra một câu hỏi khác, rằng kỳ thủ đó đã tính toán những gì trước khi thực hiện nó. Mỗi nước đi thường không tự thân nó là một nước đi tốt, đó là nối dài của hàng trăm sự tính toán từ đầu đến cuối biến thế.

Đó là lý do, khi một người chơi cờ trình độ thấp hơn hỏi tôi, rằng nước đi A hay nước đi B trong một tình huống cụ thể có phải là nước nên đi hay không. Người đó cần phải cho tôi biết ý kiến của họ đã, rằng với A, với B, thì họ nghĩ trận đấu diễn ra thế nào? Và đó có phải là kết quả đáng mong đợi không?

Tôi sẽ đưa ý kiến của mình vào để hoàn thiện cái họ đang nghĩ. Tôi thường không thích nói đơn giản A thì tốt hay B thì xấu. Every moves have its reasons.

Học định thức theo kiểu Trương Vô Kỵ

Trương Vô Kỵ, tức con trai của Trương Thúy Sơn, tức đệ tử chân truyền của Trương Tam Phong lão gia, trong tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung.

Trương Vô Kỵ không biết chơi cờ vây, thay vào đó, ảnh được Trương Tam Phong truyền dạy cho pho Thái Cực Kiếm mà ông dày công nghiên cứu ra.

Trong truyện có một tình tiết thế này:

Trương Tam Phong sử pho kiếm pháp cho Vô Kỵ xem, rồi hỏi:

“- Hài nhi, con có nhìn ra không?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Con nhìn ra rồi.

Trương Tam Phong hỏi tiếp:

– Có nhớ được chăng?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Đã quên gần một nửa rồi.

Trương Tam Phong nói:

– Hay lắm, cũng thật khó cho con. Con tự mình suy nghĩ thêm đi.

Trương Vô Kỵ cúi đầu trầm tư, một lúc sau, Trương Tam Phong hỏi lại:

– Bây giờ ra sao?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Đã quên mất quá nửa rồi.

Chu Điên thất thanh kêu lên:

– Ôi chao, càng lúc càng quên nhiều hơn. Trương chân nhân, lộ kiếm pháp này thâm áo quá, xem một lần làm sao nhớ được? Xin ngài diễn thêm một lần nữa cho giáo chủ chúng tôi xem lại.

Trương Tam Phong mỉm cười:

– Được, để ta biểu diễn lại một lần nữa.

Ông cầm kiếm ra chiêu, diễn lại lần thứ hai. Mọi người mới coi vài chiêu, trong bụng ai cũng lạ lùng, lần này không chiêu nào giống lần trước. Chu Điên kêu lên:

– Ôi chao, ôi chao, thế này thì càng làm cho người ta thêm rối trí.

Trương Tam Phong vạch kiếm thành vòng tròn, hỏi:

– Hài nhi, thấy thế nào?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Còn ba chiêu chưa quên được.

Trương Tam Phong gật đầu, quay về chỗ ngồi. Trương Vô Kỵ đi chầm chậm vòng quanh trong điện, trầm tư hồi lâu, lại đi thêm nửa vòng nữa, ngửng đầu lên, mặt rạng rỡ, kêu lên:

– Con đã quên hết rồi, quên không còn chút nào nữa rồi.

Trương Tam Phong nói:

– Khá lắm, khá lắm. Quên nhanh như thế, con có thể mời Bát Tí Thần Kiếm chỉ giáo được rồi.”

Đi ngược với cảm quan thông thường về việc học một cái gì đó. Trương Vô Kỵ tiếp nhận pho kiếm pháp bằng cách quên tất cả. Ở đây, Kim Dung ẩn ý, những điều Vô Kỵ đã ra sức quên là phần nổi, là cái vỏ bề ngoài mà ai cũng có thể thấy được. Còn phần lõi, phần tinh, phần thực sự cấu thành pho kiếm pháp, Vô Kỵ đủ thông minh để lãnh hội nguyên vẹn.

Cao thủ đối chiêu, không thể cứ nhất nhất theo đúng đường lối mà phóng kiếm. Điều họ làm là hiểu được tình huống thực tế để tìm phương án đối phó hợp lý, dựa trên lý thuyết cốt lõi của pho kiếm họ được học.

Những nước đi của định thức quen thuộc ở bên trên, tuy thoạt nhìn khá rối rắm, lại gần như là các nước bắt buộc phải thực hiện vì mục đích hết sức cụ thể của nó. Khi đã vào trận, không ai thực sự dựa hoàn toàn vào trí nhớ để đi quân, thay vào đó, họ cần chú tâm hơn vào mục đích của từng nước đi.

Vậy chúng ta phải học định thức thế nào?

Cũng khó trả lời. Mỗi giai đoạn của sự tiến bộ, bạn luôn cần cập nhật kiến thức về định thức, nó khá hữu ích ở mọi trình độ. Tuy nhiên, hiểu rõ nó vốn không phải là việc dễ dàng đối với người mới, đối với kỳ thủ trình độ 3-dan trở lên, đó lại là điều bắt buộc.

Nói như thông thường, học định thức không phải học thuộc lòng cái vỏ, mà hiểu được ý nghĩa của từng nước đi.

Bạn đọc blog có thể ghé qua các bài viết về định thức của mình để tìm hiểu thêm.

Gút nai.

One comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *