Tổng quan về cờ vây chuyên nghiệp trên thế giới

Cờ vây là một trò chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc nên không có gì lạ khi thế giới cờ vây hiện đại được “thống trị” bởi ba quốc gia Đông Á – Trung, Nhật, Hàn. Ở loạt bài này, tôi sẽ giới thiệu một số thông tin tổng quan về cờ vây trên thế giới, và Việt Nam.

Joanne-Missingham-Ichiriki-Ryo-1st-GLOBIS-Cup

Cách phân loại trình độ

Tôi đã giới thiệu cách xếp loại đẳng cấp ở một bài viết cũ. Cờ vây không phân loại theo hệ số ELO như cờ vua mà dùng hệ thống xếp hạng dan và kyu của Nhật.

Trên hết, người chơi cờ vây được chia làm hai nhóm: chuyên nghiệp và nghiệp dư. Trình độ của kỳ thủ chuyên nghiệp gần như hoàn toàn cách biệt với giới nghiệp dư. Trong bài này, tôi sẽ giới thiệu về giới cờ vây chuyên nghiệp.

Chuyên nghiệp

Một kỳ thủ phải trải qua kỳ thi khá khắc nghiệt được tổ chức mỗi năm để được cấp chứng chỉ chuyên nghiệp. Có 5 viện cờ chính tổ chức kỳ thi chuyên nghiệp nói trên: Nihon Kiin (1924), Kansai Kiin (1950), Hankuk Kiwon (1954) China Qiyuan (1992), Taiwan Qiyuan (2000). Hai năm trở lại đây, liên đoàn cờ vây Mỹ và Châu Âu cũng tổ chức thành công kỳ thi chuyên nghiệp của riêng mình. Tuy nhiên, chuyên nghiệp Mỹ và Châu Âu chưa thể so sánh với trình độ chuyên nghiệp Châu Á.

vien-co-vay-nhat-ban
Nihon Ki-in

Toàn thế giới hiện có gần 1000 kỳ thủ được cấp chứng chỉ chuyên nghiệp. Và cũng là 1000 người chơi cờ vây mạnh nhất thế giới. Hầu hết là người Trung, Nhật, Hàn.

Ngay sau khi lên chuyên nghiệp, một kỳ thủ sẽ được phong Nhất đẳng, hay 1-dan pro (viết tắt là 1p). Sau đó tùy vào thành tích thi đấu mà anh ta sẽ được thăng cấp dần đến hạng cao nhất là 9p. Không như ELO, đẳng cấp này chỉ tăng chứ không giảm. Trình độ giữa những kỳ thủ chuyên nghiệp là tương đối ngang nhau. Một kỳ thủ 9p chỉ có thể chấp 1p 2 quân trên bàn 19×19.

Với chứng chỉ chuyên nghiệp, những kỳ thủ này sẽ được phép tham gia vào những giải đấu cờ vây lớn nhất trong nước cũng như quốc tế với những giải thưởng kết sù (ví dụ: danh hiệu Honinbo của Nhật là 350.000$).

Nhật – Trung – Hàn

Nếu có tìm hiểu lịch sử cờ vây, các bạn sẽ biết được rằng Nhật Bản là quốc gia thống trị toàn bộ thế giới cờ vây từ giữa thế kỷ 20 trở về trước. Nhưng đó là câu chuyện lịch sử.

Bắt đầu từ những năm 1990, hai thầy trò Cho Hunhyun và Lee Changho đã san bằng thực lực và sau đó nhanh chóng vượt mặt Nhật Bản. Năm 1993 đến khoảng 2005 là thời kỳ huy hoàng của cờ vây Hàn Quốc với rất nhiều chức vô địch trong các giải đấu quốc tế trước Nhật và Trung. Đến nay, một số kỳ thủ Hàn Quốc đáng chú ý có thể kể tên Lee Sedol, Park Junghwan, Kim Jiseok, Choi Cheolhan, …

lee sedol, gu li, iyama yuta
Lee Sedol – Gu Li – Iyama Yuta. Bộ 3 kỳ thủ hàng đầu của 3 nền cờ vây lớn.

Câu chuyện cờ vây của Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1980, đến khoảng 2000-2010, Trung Quốc đã có một số kỳ thủ rất mạnh để có thể so găng ngang ngửa với Hàn Quốc, có thể kể tên Chang Hao, Kong Jie, Gu Li, …

Tuy nhiên, phải đợi đến năm 2013, Trung Quốc mới hoàn toàn chứng tỏ được vị thế của một nước lớn bằng việc quét sạch tất cả các chức vô địch trong hầu như tất cả các giải đấu quốc tế. Năm 2013 chứng kiến sự lên ngôi của hàng loạt những tài năng trẻ Trung Quốc (hầu hết sinh vào 1990s), như Chen Yaoye, Shi Yue, Tang Weixing, Tan Xiao, Mi Yuting,… Tất cả đều đang ở đỉnh cao phong độ cho những giải đấu sắp tới trong năm nay.

17th-LGCup-3
Shi Yue, một trong những kỳ thủ mạnh nhất Trung Quốc

Do “biến cố” 2013, Hàn Quốc mới thực sự thức tỉnh sau một thời gian dài ngủ quên trên chiến thắng. Liên đoàn cờ vây Hàn Quốc đã sớm thành lập một nhóm gọi là Đội tuyển quốc gia Hàn Quốc – Korean National Team. Một số thành tích khá tốt vào nửa đầu năm 2014 đã chứng tỏ thành quả của nhóm này.

Quay trở lại với Nhật Bản, tại sao một nước từng là cường quốc cờ vây lại chịu đứng ngoài rìa cuộc chiến vào đầu thế kỷ này? Có lẽ phải là người trong cuộc mới thực sự hiểu được nguyên nhân. Theo những gì tôi biết, có hai nguyên do chính. (1) Quá nhiều giải đấu trong nước làm cho những kỳ thủ này kiệt sức. (2) Thời gian thi đấu rất lâu theo kiểu truyền thống khiến những kỳ thủ Nhật Bản chưa thể làm quen với cách chơi nhanh trong các giải đấu quốc tế.

giai-honinbo
Tranh danh hiệu Honinbo

Song không phải là Nhật Bản đã hoàn toàn kém thế, một số kỳ thủ Nhật Bản vẫn có khả năng giành chiến thắng trước hai kình địch Trung – Hàn, mà người đầu tiên phải nhắc đến là Iyama Yuta, kỳ thủ đang nắm 6 trên 7 danh hiệu cờ vây lớn nhất của Nhật Bản. Ngoài ra, còn phải kể đến Yamashita Keigo, Cho U, Yuki Satoshi,… Nhật Bản cũng đang tổ chức một số hoạt động nhằm bắt kịp tình hình thế giới.

Mỹ – Châu Âu

Trước khi tự tổ chức được cuộc thi chuyên nghiệp của riêng mình năm 2012, nếu người phương Tây muốn trở thành chuyên nghiệp, họ phải đi đến 3 cường quốc để học và thi. Có khoảng 10 kỳ thủ Châu Âu lên chuyên nghiệp theo cách này. Người tiến xa nhất là Michael Redmond, cũng là người duy nhất đạt 9p ở Nihon Kiin.

Một số trong những kỳ thủ này được cấp chứng chỉ chuyên nghiệp không vì trình độ mà vì có những đóng góp lớn trong việc phát triển cờ vây ra phương Tây.

Alexandre Dinerchtein

Nhiều kỳ thủ chuyên nghiệp Đông Á nhập cư qua Mỹ, Châu Âu để sống và làm việc cũng góp phần không nhỏ phát triển cờ vây ở đây. Hầu hết những kỳ thủ chuyên nghiệp đầu tiên của Mỹ là người gốc Trung. Châu Âu hiện có hai kỳ thủ chuyên nghiệp là Pavol Lisy và Ali Jabarin.

Những kỳ thủ chuyên nghiệp Mỹ và Châu Âu hoàn toàn chưa có khả năng cạnh tranh trên trường thế giới.
Dù sao, những bước đi đầu tiên như vậy là rất cần thiết.

4 comments

  1. Đúng là lý do chính khiến Nhật Bản không bắt kịp Hàn Quốc và Trung Quốc chính là do kỳ thủ không thích ứng kịp với thời gian thi đấu nhanh trong khi truyền thống của Nhật là những ván cờ kéo dài vài tiếng cho đến vài ngày thậm chí đến vài tháng. Vì là truyền thống nên không thể nói thay đổi là thay đổi được.

  2. Nguyễn Tiến Thành says:

    các bài viết của anh rất hay, anh không phiền nếu e copy làm tài liệu viết bài mang đi nơi khác chứ ạ? tất nhiên là em sẽ ghi rõ nguồn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *